Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Một thách thức cho chính sách tiền tệ


Xét ở góc độ nào đó một khi các loại tiền ảo tăng trưởng nhanh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán quốc gia, qua đó cũng có tác động đến lãi suất thị trường, tăng trưởng kinh tế và lạm pháp.

Không thể phủ nhận một xu hướng đang diễn ra trên thế giới, đó là sự phát triển không ngừng của tiền điện tử dưới hình thức đồng Bitcoin, Litecoin, Ethereum, Steem… gắn liền với sự phát triển của công nghệ blockchain - công nghệ phức hợp các thuật toán cho phép đồng tiền ảo được giao dịch và xác nhận qua hệ thống các máy tính kết nối với nhau mà không phải qua các định chế tài chính trung gian.

Tính đến nay, tổng giá trị vốn hóa của tiền điện tử (tiền ảo) lên đến mức 120 tỷ USD. Đặc điểm nổi trội của tiền điện tử là tính bảo mật cao do nó được quản lý bởi công nghệ, sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra. Từ đó có thể thấy, đồng tiền này khác với đồng tiền pháp định (VND, USD, Yên Nhật, Euro…) ở chỗ là không phải thông qua bên thứ ba là NH để thực hiện các giao dịch.

Sự khác biệt của đồng tiền điện tử này với đồng tiền pháp định, chính là một thách thức lớn cho thực thi chính sách tiền tệ. Để thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả, một trong những điều kiện quan trọng là Ngân hàng Trung ương (NHTW) phải kiểm soát (thống kê) được toàn bộ lượng tiền tệ lưu thông trong quốc gia.
Đồng tiền pháp định là đồng tiền do NHTW phát hành qua các trung gian tài chính, NHTM dùng làm phương tiện thanh toán cho nền kinh tế. Khối lượng phát hành tiền do NHTW quyết định căn cứ vào nhu cầu của nền kinh tế. Vì vậy, NHTW dễ dàng kiểm soát lượng tiền pháp định. Đơn giản có thể thấy, NHNN kiểm soát cung tiền khó khăn hơn khi mà nền kinh tế bị đô-la hóa, bởi khi đó một lượng ngoại tệ từ bên ngoài vào làm gia tăng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Mặc dù một lượng lớn ngoại tệ này đã được thống kê vào tổng phương tiện thanh toán.

Trên thực tế việc thống kê các loại đồng tiền ảo vào tổng phương tiện thanh toán là khó khăn. Hiện nay, tại Công văn số 5747 của NHNN gửi Văn phòng Chính phủ đã khẳng định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là tiền điện tử, tiền ảo vẫn tiếp tục phát triển trên thị trường Việt Nam.
Tuần qua, tại hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối blockchain” diễn ra ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng: “Một ngày nào đó, sẽ thấy trên thị trường tài chính không còn tiền mặt, cũng không dùng thẻ NH. Với việc sử dụng công nghệ chuỗi khối blockchain, các thanh toán sẽ dựa vào vân tay và đồng tử mắt”. Hiện tại, số người sở hữu tiền điện tử và sử dụng blockchain ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Song, với tốc độ mở rộng như hiện nay, trong khoảng 10 năm tới số lượng người sử dụng blockchain ở Việt Nam dự báo lên tới 30 triệu người.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để kiểm soát khối lượng tiền này. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao 4 cơ quan: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và NHNN nghiên cứu, đề xuất các nội dung trong Đề án. Điều này là cần thiết và kịp thời. Bởi xét ở góc độ nào đó một khi các loại tiền ảo tăng trưởng nhanh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán quốc gia, qua đó cũng có tác động đến lãi suất thị trường, tăng trưởng kinh tế và lạm pháp. Đấy là chưa nói đến các loại tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, thực hiện các giao dịch phi pháp khác... qua các hình thức tiền ảo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét